Yêu Lại Từ Đầu - Những Ai Đang Và Sẽ Là Vợ Chồng Nhất Định Phải Đọc Bài Này
Những áp lực trong việc làm tiền cộng với những thú vui bên ngoài từ lúc nào đã đẩy anh dần rời xa vợ con lúc nào không hay đến khi chị một mực gửi giấy ly hôn thì anh mới giật mình suy ngẫm lại cố nhớ xem thời gian gần đây chị có biểu hiện gì khác không, nhưng trong đầu anh rỗng tuếch, không có một hình ảnh nào của chị. Đàn ông họ thường hay nghĩ rằng đã cưới được người con gái họ yêu thì không cần phải thể hiện sự quan tâm chiều chuộng như ngày còn mới yêu nữa nên mới dần tạo ra những khoảng cách vô cùng xa và rộng trong tình cảm giữa hai người. Vin Wedding
Suốt buổi chiều ngồi ở công ty, chị không tài nào tập trung làm việc được. Những câu hỏi về cuộc hôn nhân của mình cứ lặp đi lặp lại trong đầu chị. Chị thấy cả cơ thể và trái tim mình rệu rã hơn mỗi ngày. Chị tưởng như mình đang tiêu xài tuổi xuân trên một con đường dài vô định, không lối thoát mà đôi chân thì đã muốn quỵ xuống từ rất lâu rồi. Đơn ly hôn chị đã viết, chỉ chờ anh ký một chữ là hai người ra tòa giải quyết thủ tục cho nhanh gọn. Nhưng anh nhất quyết không ký. Trong bữa cơm chiều lặng lẽ, anh hỏi chị:
– Em đã có người khác rồi phải không?
Chị ngước lên nhìn anh, thoáng chút sững sờ:
– Anh nhìn em giống một người phụ nữ nhàn rỗi lắm hả? Em tưởng mình là người máy khi hết lo việc công ty lại bận bù đầu với đủ loại việc nhà đến mức không có thời gian mà thở chứ. Em ước gì mình có đủ thời gian để hẹn hò.
– Đừng nói với anh rằng em đòi ly dị chỉ vì công việc nhà khiến em bận bịu. Em tưởng anh không bận bịu chắc?
– Vâng. Anh thì bận quá rồi. Bận bia bọt cùng bạn bè sau giờ làm, bận cờ tướng với mấy ông cụ đầu phố, đến tối về còn bận xem đá bóng. Bận rộn như thế thì không còn thời gian lo cho gia đình là phải.
– Nếu em thấy quá sức, chúng ta có thể thuê người giúp việc, tại sao lại phải lấy việc ra tòa để dọa nhau?
Chị đã không thể bình tĩnh hơn được, dằn mạnh đũa xuống mâm, nhìn thẳng vào mắt anh, chị nói chậm từng câu rành mạch:
– Anh thấy em giống như đang hù dọa anh à? Anh thử nghĩ xem với đồng lương ít ỏi của hai người, em không chắp vá thì chẳng đủ nuôi con chứ nói gì đến việc thuê người giúp việc. Mà vấn đề ở đây không chỉ là cần một người giúp việc, em cần sự chia sẻ công việc và ý thức vun vén gia đình. Anh không có cả hai điều đó, vì thế em nhắc lại một lần nữa là em muốn chấm dứt. Còn anh muốn ký vào tờ đơn thì ký, nếu không cũng chẳng vấn đề gì. Rồi thủ tục ly hôn cũng sẽ được giải quyết.
Chị đứng dậy, bỏ dở bát cơm và đi thẳng vào phòng. Khi cánh cửa phòng sập lại là lúc nước mắt chị cứ thế trào ra. Lấy chồng được sáu năm mà đã có lúc sau giờ làm chị sợ trở về ngôi nhà mình khi biết trước có hàng núi công việc đang chờ sẵn. Chị cũng là con người, cũng có những lúc mệt mỏi rã rời vì áp lực công việc. Những lúc ấy chị chỉ thèm xong việc công ty là về nhà, đặt mình xuống giường nằm nghỉ ngơi cho lại sức. Nhưng suốt sáu năm, kể cả những ngày lễ tết cũng không lúc nào chị được ngơi tay. Chị cảm cúm, ốm sốt không bao giờ anh để ý. Cứ như thể anh lấy chị về để sinh cho anh những đứa con và làm người ở, ngoài ra chị buồn, vui, vất vả thế nào anh không cần biết.
Đã rất nhiều lần chị ngồi chia sẻ nghiêm túc với anh, nhưng nhận lại chỉ là những câu bông đùa theo kiểu “mấy việc lặt vặt ấy ăn nhằm gì, em cứ nói quá lên ấy chứ”. Cũng có lúc anh im lặng nhưng một vài ngày sau đó, anh trở về nhà trong cơn say và cằn nhằn chị không biết thu vén công việc gia đình nên mấy việc nhỏ xíu cũng tỵ nạnh với chồng. Chị nghe mà ứa nước mắt không nói được lời nào. Chị không quen làm to chuyện, nên sau một vài lần như thế chị chỉ còn biết lầm lũi làm cho xong việc.
Từ khi sinh thêm đứa thứ hai, công việc nhà ngày càng nhiều hơn. Sáng dậy sớm, nấu nướng cho chồng, dỗ dành các con ăn rồi đưa đứa đến trường, đứa đến nhà trẻ. Sáng nào chị cũng như vận động viên chạy marathon thế mà nhiều hôm còn đi làm muộn. Sếp mắng mỏ, lương liên tục bị trừ, đến công ty mệt rã rời không còn hứng thú mà làm việc. Chiều về lại tất tưởi đón con, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo cho cả gia đình và hàng đống công việc không tên khác. Tháng ngày trôi qua, đôi khi soi vào gương chị chẳng còn nhận ra mình.
Đến công ty, thấy những nữ đồng nghiệp nói chuyện đi spa, shopping hay được chồng dẫn đi xem phim vào dịp cuối tuần mà nước mắt chị ứa ra. Mang tiếng thoát ly, lấy chồng thành phố mà đến mấy quán cafe, hiệu sách hay rạp chiếu phim chị cũng chẳng có thời gian để đặt chân vào. Những thói quen và sở thích chính đáng chị đều phải gạt bỏ. Anh thậm chí còn chưa bao giờ hỏi chị lấy một câu “cuối tuần này em có muốn cả nhà mình đi đâu chơi không?”. Từ lúc nào chị quen với việc ăn mặc xuề xòa, thậm chí có lúc còn thấy mình luộm thuộm khi đến công ty với bộ quần áo còn nguyên mùi ợ sữa của con. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chị e mình sẽ phát điên lên mất.
Chỉ đến khi chị đặt tờ đơn ly hôn trên bàn làm việc của anh một cách dứt khoát, anh mới như choàng tỉnh. Chiều nay thay vì cà kê bia bọt cùng bạn bè sau giờ làm việc, lần đầu tiên anh chọn cho mình một góc cafe vắng ngồi suy nghĩ. Một câu hỏi cứ vọng đi vọng lại trong tâm trí của anh là tại sao đang sống với nhau yên ấm mà vợ lại đòi ly dị? Cuộc đối thoại trong bữa cơm chiều qua phần nào đã làm cho anh hiểu những vất vả mà chị phải gồng gánh suốt sáu năm qua.
Một năm có 365 ngày hầu như anh chẳng bao giờ vắng mặt ở các quán bia vào mùa hè, cafe vào mùa đông. Đôi khi anh bù khú rượu chè quên cả giờ giấc, lúc trở về nhà vẫn thấy chị đang lúi húi với hàng đống công việc. Trên bàn là mâm cơm phần sẵn, có thể anh sẽ ngồi ăn, cũng có thể sau khi nôn bẩn ra giường chiếu anh lại lăn ra ngủ. Sáng hôm sau dậy đầu óc còn váng vất thì chị đã cơm nước xong xuôi và đưa các con đi học. Anh nhớ có vài lần chị bảo:
– Từ mai anh chịu khó dậy sớm hơn rồi đưa một đứa đến trường giúp em. Chứ cứ thế này chắc em bị đuổi việc vì luôn đi làm muộn mất.
Nhưng anh viện ra đủ lý do, nào là trường của các con ngược đường đi làm, nào là công ty ở rất xa, nào thì đoạn đường của anh luôn tắc nghẽn nên nếu không đi sớm thì chỉ có nước đứng chôn chân ở giữa đường. Anh nghèn nghẹn khi nhớ ra chị luôn thở dài vẻ cam chịu. Đôi khi cáu giận lắm chị cũng chỉ bảo anh chẳng có chút trách nhiệm gì với vợ con mình. Mà với một người vốn bản tính vô tâm như anh thì câu nói ấy dường như chẳng động chạm gì.
Anh ngồi day trán, cố nhớ xem thời gian gần đây chị có biểu hiện gì khác không, nhưng trong đầu anh rỗng tuếch, không có một hình ảnh nào của chị. Vậy thứ anh quan tâm là những gì? Là tối nay hai đội tuyển nào đấu với nhau? Là đêm qua Manchester United thua hay thắng? Là những vụ giết người đăng ầm ầm trên các báo… Thế mà màu son vợ thường dùng là màu gì? Loại sữa mà các con thích uống là sữa gì? Lần cuối cùng anh tự tay mua đồ chơi cho con đã bao lâu? Dù đã cố gắng suy nghĩ anh cũng chẳng thể nhớ nổi bất cứ thông tin gì, không phải vì anh chóng quên mà chỉ bởi chưa bao giờ anh bận tâm đến những điều ấy cả. Thế mà trước kia lúc mới yêu nhau, anh biết cả tên những cuốn sách mà chị thích, màu áo và kiểu tóc hợp với màu da chị.
Anh trở về nhà sớm hơn thường lệ, đúng lúc chị đang tắm cho các con. Anh đứng tựa cửa nhìn cảnh các con nghịch nước vui đùa cùng mẹ, nhìn lưng chị đẫm mồ hôi, những lọn tóc mai lòa xòa trước trán. Ngó qua gian bếp, thấy cơm canh đã bày sẵn trên bàn vẫn còn nghi ngút khói. Suốt sáu năm anh chưa bao giờ trở về nhà vào giờ này để trông thấy những điều bình dị ấy. Vừa nhìn thấy anh các con đã reo vang:
– A! Bố về! Bố về!
Chị ngoảnh lại, thoáng chút ngạc nhiên:
– Hôm nay đài báo bão hay sao mà anh lại trở về nhà vào giờ này?
Anh không nói gì, lẳng lặng ngồi bên cạnh chị, vớt từng vốc nước nhỏ tưới lên lưng con rồi kỳ cọ lưng cho nó. Thằng bé vùng vẫy bắn tung tóe nước vào mặt anh, bây giờ anh mới biết tắm cho con cũng chẳng dễ dàng gì.
Cơm tối xong xuôi, thấy chị giặt quần áo anh cũng sấn vào đòi làm cùng. Chị không nói gì, thu mình trong những nỗi buồn giấu kín. Anh bảo chị:
– Chỉ cần em chưa hết yêu anh thì hãy cho anh một cơ hội. Anh không muốn phải sống thiếu mấy mẹ con em.
– Vậy mà em cứ tưởng, anh chỉ cần biết đến bản thân mình là đủ.
Anh nắm chặt bàn tay gầy gò của chị. Rất chặt.
..........
Dạo này anh toàn bị bạn bè nhắn tin đe dọa sẽ kết nạp vào hội “sợ vợ”. Kể ra thì không bia bọt cũng nhớ thật, nhưng vẫn hơn là nhìn thấy tờ đơn ly hôn của vợ. Bây giờ thi thoảng anh cũng vào bếp, dù hôm thì cơm khê, hôm thì nồi cá kho bốc cháy. Chị bảo:
– Anh lười quen rồi nên bây giờ có biết làm gì đâu? Thử hỏi nếu em đi vắng một ngày chắc anh mang các con ra quán cơm bình dân đầu ngõ mất.
– Việc lớn mấy anh còn làm được, mấy việc này chẳng qua chưa quen thôi, chứ sau này anh sợ anh thành đầu bếp giỏi hơn em nữa đấy.
Chị nguýt:
– Được thế cho mẹ con tôi nhờ.
Anh gãi đầu, cười hiền khô như thuở ban đầu hai người mới quen nhau.
Cuối tuần, anh kiếm đâu hai cái vé xem phim rồi gửi con sang bà nội, chở chị đi xem. Chị lựa cả tủ đồ chẳng thấy có bộ nào mới cả, anh đứng tần ngần thương chị, nghĩ bụng tối mai nhất định phải đưa chị đi mua váy áo. Xem phim xong, ra khỏi rạp chị vẫn còn cằn nhằn:
– Hóa ra Rio là phim hoạt hình. Thế mà lại để các con ở nhà, tội nghiệp chúng. Mà anh cũng khéo chọn phim lắm cơ, sáu năm mới cho vợ đi xem phim một lần mà chọn đúng phim hoạt hình. Lãng mạn nhỉ?
– Ừ thì… tại anh nhờ thằng bạn nó mua hộ. Chắc nó tưởng mua cho lũ nhỏ nên… Mà bạn nó đưa cho thì anh cứ cầm, anh cũng không nhìn kỹ vé. Mà thôi, để chiều mai anh bù cho các con bằng một buổi đi chơi trong sở thú. Được chưa bà xã.
Đã sáu năm rồi anh lại học cách hẹn hò như hồi đầu mới quen chị. Lúc chở chị trên đường, thấy chị nép vào lưng anh ngượng ngùng, lâu lắm rồi mới có một ngày vui như thế. Anh bảo cả hai sẽ học cách để yêu lại từ đầu…